Hàng giả, hàng nhái các mặt hàng thời trang của các thương hiệu nổi tiếng tràn ngập thị trường một phần do người tiêu dùng vẫn… thích mua vì giá rẻ.
Vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2, Ban chỉ đạo 389 – TP Hà Nội đã thu giữ 2.650 đôi giày bất minh về nguồn gốc, trong đó có 150 đôi có dấu hiệu làm giả, làm nhái nhãn hiệu giày Nike.
Khó phân biệt hàng thật – giả
Ông Trần Hoàng Dương, Đội phó Đội Quản lý thị trường số 17, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Khoảng 10h sáng 26-9, đơn vị tổ chức kiểm tra một kho hàng ở số 41, ngách 214/55, đường Nguyễn Xiển, Hà Nội của một người nước ngoài làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số lượng lớn sản phẩm là giày”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, kho hàng này được xây dựng trên khu đất lấn chiếm ở huyện Thanh Trì. Quá trình trinh sát, lực lượng chức năng phát hiện số hàng mới được đưa về kho khoảng vài ngày trước đó. Xung quanh khu vực này khá vắng vẻ và số hàng được xếp gọn trong các thùng carton, xếp chồng kín hết căn phòng, không còn lối đi. Chủ kho hàng chỉ bán buôn cho các mối quen, chứ không bán lẻ. Trong số hàng bị tạm giữ có 150 đôi giày có dấu hiệu giả nhãn hiệu giày Nike, được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng.
Đây không phải là vụ việc kinh doanh các mặt hàng thời trang có dấu hiệu giả, nhái thương hiệu đầu tiên bị cơ quan chức năng phát hiện. Hiện nay, trên thị trường, giày dép, quần áo, túi xách… của các nhãn hàng có thương hiệu nổi tiếng thường xuyên bị các đối tượng người nước ngoài “ăn cắp” mẫu mã để nhái sản phẩm.
Chị Đào Thị Bích Hà (ở quận Hà Đông, Hà Nội), chủ một cửa hàng bán giày qua mạng Internet cho biết: “Nhiều người tiêu dùng Việt Nam biết sản phẩm là hàng giả, hàng nhái và gọi loại sản phẩm này là hàng “fake”, thậm chí “fake 1”, “fake 2” theo mức độ làm giả về chất lượng và hình thức. Họ hoàn toàn biết rõ là hàng giả, hàng nhái và đồng ý mua với mức giả rẻ hơn một nửa, hoặc 1/10 giá trị của món hàng thật. Điều này là do tâm lý của một bộ phận người Việt Nam muốn sử dụng hàng hóa có mẫu mã, kiểu dáng giống hàng “hiệu” nhưng chỉ phải trả mức phí thấp”.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp người tiêu dùng bị các cửa hàng đánh lừa bằng cách độn hàng giả vào hàng thật để kiếm siêu lợi nhuận. Bởi lẽ, không phải ai cũng phân biệt được hàng giả, hàng thật khi công nghệ nhái sản phẩm ngày càng tinh vi, hình thức của hàng giả giống hàng thật đến hơn 90%. Điều này khiến cho khách hàng mặc dù phải trả số tiền lớn, nhưng lại nhận về loại hàng kém chất lượng.
Kiên quyết xử lý hàng giả, hàng nhái
Theo một cán bộ Cảnh sát kinh tế CATP Hà Nội, để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng cũng như uy tín, lợi ích của các doanh nghiệp có các nhãn hiệu đã được bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, thu giữ và xử lý nghiêm đối với các loại hàng hóa có dấu hiệu giả nhái thương hiệu, đặc biệt là các mặt hàng thời trang được người tiêu dùng quan tâm.
Cũng theo ông Trần Hoàng Dương, đối với những loại hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ, cơ quan chức năng sẽ tiến hành phối hợp làm rõ, xử lý. Nếu đúng là hàng giả thì sẽ tiêu hủy theo quy định.
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cảnh báo, người dân nếu phát hiện các cơ sở buôn bán, kho bãi cất giấu hàng giả, hàng nhái cần báo ngay cho cơ quan chức năng. Trước khi mua hàng cần kiểm tra kỹ các dấu hiệu nhận biết như mã sản phẩm, cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc rõ ràng. Tránh mua phải các sản phẩm trôi nổi mà phải trả giá cao.
Đối với các nhãn hiệu đã được bảo hộ độc quyền, doanh nghiệp cũng cần có các thông tin cung cấp cho khách hàng để nhận biết phân biệt hàng giả, hàng nhái, tránh để các đối tượng lợi dụng hòng trục lợi.
Được biết, trong tháng 8-2017, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố Hà Nội về cơ bản đã được các lực lượng chức năng kiềm chế với hơn 2.000 vụ bị xử lý; trong đó đã khởi tố hình sự 8 vụ với 7 đối tượng, tổng thu nộp ngân sách trên 294 tỷ đồng.
Theo Linh Nhi/ANTĐ