(VnMedia) – Theo Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, hiện thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi, tốc độ sản xuất hàng giả ngày càng nhanh hơn và khó phát hiện hơn.

Chế tài xử lý hàng giả còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe

Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, do đặc điểm thành phố là trung tâm kinh tế, đầu mối giao thông đến các tỉnh nên tổ chức, cá nhân tập trung vận chuyển, buôn bán là chủ yếu. Điều này, kích thích hoạt động hàng giả, hàng nhái gia tăng.

Cũng theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, các mặt hàng giả phổ biến hiện vẫn là đồng hồ, mắt kính, túi xách, quần áo, giày dép có mẫu mã đa dạng, giả mạo các nhãn hiệu nước ngoài như Gucci, Chanel, Louis Vuitton, Nike, Adidas… Ngoài ra, Quản lý thị trường thành phố cũng phát hiện xử lý sản xuất hàng giả như băng vệ sinh giả nhãn hiệu Kotex, bột ngọt hiệu Aone giả nguồn gốc xuất xứ.

Về nguồn hàng giả mạo nhãn hiệu, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng cho hay, phần lớn các mặt hàng giả như đồng hồ đeo tay, mắt kính, túi xách, giày dép, quần áo… là hàng nhập lậu xuất xứ Trung Quốc. Nhiều mặt hàng mỹ phẩm được làm giả, nhái như hàng thật từ bao bì, màu sắc, mùi hương, bán giá rẻ, không bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn cho người sử dụng.

images1881308_hang_hoa
Ở Việt Nam, hàng giả đã và đang là một vấn đề bức xúc của xã hội. Ảnh minh họa

Theo đơn vị này, tình hình hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong năm tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. “Nguyên nhân là do buôn bán hàng giả có lợi nhuận cao. Một số người tiêu dùng thích sử dụng hàng có gắn mác thương hiệu nổi tiếng, giá rẻ. Hàng giả đa dạng mẫu mã, bán giá không cao, chất lượng tạm được, thời gian sử dụng ngắn. Mặt khác, nhiều mặt hàng cùng loại do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có ít mẫu mã, hình thức không bắt mắt, giá cao hơn hàng giả nhưng chất lượng chưa cao, kém sức cạnh tranh với hàng giả”, Chi cục quản lý thị trường TP.HCM lý giải việc hàng giả ngày càng nhiều trên thị trường.

Trong khi đó, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam, hàng giả đã và đang là một vấn đề bức xúc của xã hội. Rất nhiều mặt hàng đang lưu thông trên thị trường đều có hàng giả. Hàng giả xuất hiện ở khắp nơi, từ chợ vùng cao đến siêu thị ở các tỉnh, thành phố.

Đưa ra nguyên nhân công tác chống hàng giả chưa đạt kết quả cao, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi, tốc độ sản xuất hàng giả ngày càng nhanh hơn, khó phát hiện hơn, hàng giả lại được sản xuất từ nước ngoài rồi đưa vào Việt Nam tiêu thụ bằng nhiều hình thức khác nhau trong bối cảnh đường mòn ở biên giới dài và khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chưa đồng bộ, nhận thức của người dân về tác hại của hàng giả vẫn còn thấp và đặc biệt có những bộ phận người dân biết nhưng vẫn mua vì giá rẻ.

“Về luật pháp, trên một số lĩnh vực thường chồng chéo nhau. Mỗi số Nghị định, Thông tư hướng dẫn còn thiếu cụ thể, gây khó khăn cho các lực lượng thực thi và doanh nghiệp, cần sử đổi bổ sung sớm Quy chế ghi nhãn cho sát hơn. Kinh phí cho các lực lượng thực thi làm nhiệm vụ chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của các lực lượng này”, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho hay.

Một điểm nữa cũng được Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam đưa ra là, các lực lượng thực thi có lúc, có nơi dễ làm khó bỏ, trong một số trường hợp chưa tạo được lòng tin cho doanh nghiệp về tính hiệu quả của việc kiểm tra, xử lý. Còn có hiện tượng bảo kê của một số cán bộ có quyền kiểm tra, kiểm soát. Tổ chức phối hợp kết hợp trong công tác chống hàng giả và xử lý vụ việc đúng pháp luật… thiếu đồng bộ.

Hàng giả, hàng nhái đang có chiều hướng giảm

Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 167.101 vụ, giảm 4,1% so với năm 2015). Một số mặt hàng có số lượng thu giữ lớn gồm hơn 1,4 triệu bao thuốc lá ngoại; trên 54.000 chai rượu; gần 10.000 tấn và hơn 108 nghìn chai phân bón; trên 1,3 triệu sản phẩm mỹ phẩm; trên 420 nghìn đồ chơi trẻ em; trên 6 triệu mét vải, quần áo các loại…

Trong khi đó, tại TP.HCM, trong năm 2016, công tác chống kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, lực lượng Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra 5.710 vụ (giảm 10,87% so với cùng kỳ năm 2015).

Về xử lý đơn, trong năm 2016, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tiếp nhận 78 đơn của các doanh nghiệp chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp yêu cầu xử lý các tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sử hữu trí tuệ.

Ngoài ra, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phối hợp với các đoàn liên ngành thành phố, Quận, Huyện kiểm tra 7,732 vụ, giảm 19,76% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó có 2.947 vụ vi phạm trong các lĩnh vực về phòng chống cúm gia cầm, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa, hóa chất, phân bón, xăng dầu…

Yến Nhi

Hotline: 090 147 1866

Skype: